Giá ôtô nhập khẩu tại VN có thể tăng hơn 10%?
- Chuyên mục: Tin tức
- Được viết ngày 09 Tháng 6 2015
- Viết bởi : Admin
- Lượt xem: 1880
Đề xuất của Bộ Tài chính về việc thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô nhập khẩu sẽ khiến giá bán của mặt hàng này tăng lên khoảng 12%.
Đề xuất sửa đổi quy định về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ôtô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu và điều hòa nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU, vừa được Bộ Tài chính gửi tới đại diện các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam, đề nghị đóng góp ý kiến, khiến các đơn vị này như trên “đống lửa”.
Bình đẳng cách tính thuế giữa ôtô nhập khẩu và xe sản xuất trong nước
Đề xuất mới về giá tính thuế TTĐB đối với hai mặt hàng nêu trên vừa được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB.
Theo Bộ Tài chính, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ôtô, điều hòa theo các cam kết quốc tế, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điều hòa cho rằng giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu chưa đảm bảo công bằng với hàng sản xuất trong nước vì trong giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của các cơ sở kinh doanh nhập khẩu.
Vì vậy, những tổ chức trên đề nghị có những biện pháp để bảo hộ sản xuất trong nước và cần thiết phải sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hai mặt hàng trên để đảm bảo công bằng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng, cùng với sự phát triển hội nhập kinh tế, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, nhất là nhập khẩu hàng hóa ngày càng đa dạng về hình thức để tối đa hóa lợi nhuận.
Vì vậy, nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế TTĐB đối với hai mặt hàng trên như hiện hành, thì khi thuế nhập khẩu cắt giảm về 0%, hàng nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với hàng sản xuất, lắp ráp trong nước.
Giá ôtô nhập khẩu tại Việt Nam có thể sẽ tăng hơn 10%? – Ảnh minh họa
Dù khẳng định, quy định về giá tính thuế TTĐB như hiện tại được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua và trong thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc, nhưng qua tổng hợp kinh nghiệm quốc tế đối với những nước có quy định mặt hàng áp dụng thuế TTĐB theo tỷ lệ % như ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ôtô bán ra.
Với cách tính mới, Bộ Tài chính khẳng định bảo đảm bình đẳng về giá tính thuế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, qua đó sẽ giúp hàng sản xuất trong nước có thể cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu.
Các nhà nhập khẩu và lắp ráp ôtô cùng “bối rối”
Ngay sau khi nhận được văn bản đề nghị cho ý kiến vào dự thảo Nghị định hướng dẫn luật số 70/2014/QH13 sửa đổi bổ sung của Luật thuế TTĐB từ Bộ Tài chính, với thay đổi căn bản là đề xuất mới về giá tính thuế TTĐB, các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam như “ngồi trên đống lửa”.
Thời gian Bộ Tài chính dành cho các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam đóng góp ý kiến vào dự thảo chỉ vỏn vẹn trong một tuần. Trong văn bản hỏa tốc ký ngày 11/5/2015 gửi tới các doanh nghiệp liên quan, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị có ý kiến phản hồi trước ngày 20/5, để kịp trình Chính phủ trong tháng 6/2015.
Với đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB của Bộ Tài chính, đại diện một số nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam khẳng định, cách tính mới sẽ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo cách tính hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần một khâu để hoàn tất thủ tục nộp thuế TTĐB bởi giá tính thuế TTĐB hiện hành chỉ dựa trên giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá C.I.F) và thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, với cách tính mới, doanh nghiệp bị tăng thêm thủ tục do thuế TTĐB chỉ được tạm tính với mức như hiện tại tại thời điểm doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nhập xe. Và tiếp tục bị truy thu thuế TTĐB trên số tiền thu được sau khi bán hàng (bán lẻ hoặc bán buôn) trừ đi khoản thuế tạm tính trước đó.
Ngoài ra, khi chính sách thay đổi, doanh nghiệp sẽ phải cấu trúc lại hoạt động để đảm bảo nguồn lợi và duy trì hệ thống. Nhưng để giữ được ổn định, không cách nào khác là phải tăng giá bán xe, điều đó đồng nghĩa với việc doanh số bán khó có thể đạt được như hiện tại.
Không chỉ các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam cảm thấy “khó xử” với đề xuất của Bộ Tài chính, đại diện của một doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô cũng thừa nhận khó khăn trong việc định hướng mô hình hoạt động nếu đề suất giá tính thuế TTĐB mới được thông qua.
Trên thực tế, trong danh mục sản phẩm của tất cả các nhà sản xuất và lắp ráp xe trong nước vẫn luôn xuất hiện những cái tên nhập khẩu nguyên chiếc. Bởi vậy, dù đang vận hành giá tính thuế TTĐB trên cơ sở giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,… nếu có) cộng với lãi của người nộp thuế, đối với xe sản xuất trong nước, nhưng các dòng xe nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng lớn về doanh số nếu áp dụng cách tính thuế TTĐB tương tự.
Giá ôtô nhập khẩu tăng
Theo cách tính thuế TTĐB như hiện tại, một chiếc xe nhập khẩu có giá khai báo (CIF) là 33.000 USD, sau khi đã tính các loại thuế phải nộp gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB tính trên giá CIF và thuế giá trị gia tăng, thì giá thành chiếc xe sau thuế vào khoảng 100.000 USD. Cộng thêm chi phí vận chuyển, bán hàng,…. và lợi nhuận, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng có thể lên đến 120.000 USD.
Nếu tính theo đề xuất mới về giá tính thuế TTĐB trên giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng thì thuế TTĐB đối với chiếc xe trên sẽ tăng thêm 10.000 USD kéo theo thuế giá trị gia tăng tăng 1.000 USD.
Trong trường hợp doanh nghiệp giữ nguyên giá bán lẻ thì chắc chắn bị ảnh hưởng đến lợi nhuận, chi phí vận hành. Như vậy, để tồn tại, doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu không còn cách nào khác là đẩy toàn bộ hoặc chia sẻ khoản thuế tăng thêm với người tiêu dùng bằng cách duy nhất là tăng giá xe.
Theo tính toán, doanh nghiệp muốn giữ được lợi nhuận hiện có đối với một chiếc xe nhập khẩu có giá CIF 18.000 USD, thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ phải tăng thêm khoảng 12% (trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh minh bạch).
Nguồn: News.zing.vn